Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2008

khó thở






Trời vào thu, nên mát mẻ dễ chịu làm sao. Hoàng một mình, với chiếc xe truck cũ kỹ, màu xanh lá cây loại đậm mà anh yêu thích. Anh vượt qua từng chặng đường, từng con phố. Đầu óc nghĩ ngợi mông lung. Anh qua xứ Mỹ này cũng lâu lắm rồi, cùng với cha và đứa em gái. Cha anh thì đã qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo từ 6 năm về trước. Đứa em gái của anh giờ lưu lạc nơi nào anh cũng chả hiểu. Không biết người ta nhìn vào có thấy được hạnh phúc của anh không chứ bản thân anh thì hoàn toàn không nhận ra được.

Nếu xếp theo loại, anh cũng là hàng trí thức. Vì với anh, học hành còn dễ hơn cơm bữa. Lúc vừa mới ra trường trung học, anh tìm ngay việc làm ban đêm và học 4 năm thì lấy ngay cái bằng cấp kỹ sư điện tử gọn gàng và nhanh chóng. Nhanh hơn cả các bạn cùng trang lứa của anh. Thằng Trung thì đi lính, thằng Linh thì èo uột, nay tìm việc làm này, mai tìm việc làm khác. Vậy đó, việc học hành đối với anh như trở bàn tay.Trong người anh có biết bao nhiêu thứ bằng cấp nhỏ nhoi khác, nào là các windows, network......nhất là cái A+ gì đó khi nó vừa xuất hiện thì anh đã lấy nó về ngay rồi. Anh thường nói:

- Bên Mỹ này vui thật, mình bỏ công đi học, còn bằng cấp thì đem về quăng dưới gầm gường. Đôi khi đem nó ra để đi trình diện. Rồi về quăng nó trở vào đó tiếp.

Sau đó anh xin được một việc làm rất tốt ở một hãng điện tử nọ. Với một số bằng cấp trong tay và kinh nghiệm do việc làm phụ trội sau giờ học, bấy giờ anh ngang nhiên là một cấp trên bệ vệ với hàng mấy chục công nhân dưới tay.

Về mặt tình duyên, thì anh cũng từng buồn, từng sầu như bao người. Cái lần đau đớn nhất cho anh là không cưới được người mình yêu. Anh và Tú quen nhau, và yêu nhau. Thế mà sự xuất hiện của Trinh khiến anh khó xử. Tú lại có ý nhường anh cho Trinh. Trinh thì quyết chiếm anh cho bằng mọi giá. Nàng lại không biết gì về chuyện giữa anh và Tú.

Trinh là một cô gái quật cường, đối với nàng không điều chi có thể cản trở nổi một khi nàng quyết định. Nàng xuất thân từ một gia đình nghèo khổ. Mẹ thì cờ bạc, cha thì rượu chè. Hai vợ chồng cãi vã, ấu đả nhau tối ngày. Khi lên 6 cha mẹ nàng ly di. Mẹ nàng từ ngày ly dị chồng, không biết nguyên do gì khiến bà ta bị bịnh dở điên dở khùng. Có phải vì bà thường uống quá nhiều rượu không ? Thế nên bà không thể lo cho nàng với cô em. Và rồi nàng được đưa về sống chung với nội và sau đó thêm dì ghẻ. Còn em nàng 2 tuổi phải về ngoại. Có nhiều bữa cha nhậu say, về đánh đập nàng, thêm sự mắng nhiết thậm tệ của dì ghẻ. Nội lại không ưa vì cái bản mặt chùng ụng, lúc nào cũng lộ vẻ âu sầu thê thảm của cô bé lên 6. Rồi nàng lớn lên trong sự nhọc nhằn khổ cực và không tình thương ấy. Nàng ít nói. Hay đúng hơn là không hề nói gì cả. Trừ những khi cần. Lên 9 thì nàng đã không còn đi học, vì gia cảnh với lại phải làm việc cho bà dì ghẻ và mấy đứa em cùng cha. Sau đó, có chuyến đi Mỹ. Dì tư, người dì ruột của nàng thấy thương nàng quá, nên lén dắt nàng đi cùng.

Tưởng đi tìm đất tự do, ngờ đâu phải đối diện với tử thần. Chiếc xuồng bé tí teo của nàng không thể chịu đựng nổi cơn sóng dữ. Và cơn đói khát ập đến. Hai đứa con của dì tư vì chịu không nổi nên đã chết đi vì đói khát. Dì tư ngất lịm. Dượng tư đứt từng đoạn ruột mà quăng xác của hai con mình xuống lòng biển bao la. Còn đứa em gái và bà ngoại nàng thì nằm thoi thóp chờ đợi tử thần. Nàng vì quen khổ cực, đói rách. Nên một chút đau khổ đó đối với nàng không hề hấn. Nàng thầm cám ơn bà dì ghẻ và ông cha nhẫn tâm của nàng. Nếu không chắc sinh mạng của nàng cũng bị đe doạ như hai đứa con của bà dì.

Rồi giông bão cũng đi qua. Tất cả mọi người được một chiếc tàu ra tay cứu vớt. Gia đình nàng cùng những người đi chung ghé vào đảo Ga-Lăng. Rồi chờ chuyến đi Mỹ. Qua Mỹ nàng lại phải quần quật với công việc và học hành. Nàng sống với dì tư và ngoại. Ngoại cũng như nội, cũng không ưa nàng. Chỉ có dì tư là yêu thương nàng thôi. Nhưng tình yêu của dì không đủ cho nàng hạnh phúc. Bấy giờ nàng đã 14 tuổi. Vừa đi học ở trường, chiều về lại phụ ngoại lo nấu cơm. Nhiều khi phật lòng, ngoại đánh xối xả không kiêng gì hết. Đêm nàng phải thức tới thật khuya để kết từng cái nơ. Dì tư thương nên đem việc đó về cho nàng làm. Dì nói:

- Con ráng chịu cực, mai mốt sẽ hạnh phúc. Dì thương con lắm, nhưng con cũng biết hoàn cảnh mình không tốt như người ta. Dì cũng đi làm quần quật. Nuôi con thì dì nuôi nổi. Nhưng nếu con muốn hơn người thì con phải tự mình vương lên.

Nàng luôn ghi nhớ lời của dì. Đứa em gái nàng thì được ngoại cưng chiều lắm. Nên hình như nó lúc nào cùng vui tươi và vẻ mặt đầy niềm kiêu hãnh. Nó cũng là một cái cớ để ngoại hay đánh đòn nàng. Vì hễ nàng làm phật lòng nó một tí, hay trách nó một cái gì thì ngoại lại lôi nàng ra mà đánh mà chửi. Ai bảo ngoại thương con cháu hơn nội đâu. Nàng thấy giữa nội và ngoại chả có ai hơn ai. Chỉ có dì tư. Nhưng tình yêu của dì vẫn không đủ. Giá mà nàng có mẹ, có ba, có bà như bao người khác thì hạnh phúc biết bao.

Rồi những năm về sau, cực khổ dịu đi. Nàng gặp Hoàng, một thanh niên thuộc loại ưu tú. Nàng đem lòng yêu. Không biết Hoàng có yêu nàng không ? Chàng đã có người yêu chưa ? Tất cả về chàng nàng đều mù tịt. Nhưng từ ngày quen chàng, nàng bắt đầu thấy yêu đời, yêu mọi vật xung quanh. Kể cả những lời la mắng của ngoại và cả một thời thơ ấu đau khổ cũng không làm nàng buồn lòng nữa. Nàng nghĩ, chàng là hạnh phúc mà nàng đang tìm. Nàng tâm sự với Tú:

- Nếu như sau này Hoàng không cưới Trinh. Trinh nhất định sẽ cùng chết chung với Hoàng.

Ý nghĩ kinh khủng của nàng khiến Tú phải khiếp hồn khiếp vía. Riêng Hoàng coi Trinh như một cô em gái. Anh rất tốt với Trinh. Chính vì những cái tốt đó khiến Trinh càng hiểu lầm hơn.

Ngược lại với Trinh, Tú luôn được cha mẹ anh chị cưng chiều. Gia đình Tú rất đồ sộ. Cha mẹ yêu nhau thắm thiết. Hình như họ qua định cư bên Mỹ này khoảng năm 75 gì đó. Cha nàng nhờ tính siêng năng, cần cù, mẹ nhờ tài tháo vát, khéo ăn nói. Lúc đầu họ đi làm bình thường như bao người, sau đó thêm đầu óc kinh doanh họ đã mở một nhà sửa xe. Dần dần lớn mạnh và bây giờ thì đã trở thành một đại gia đình giàu có trong tiểu bang với những chi nhánh sửa xe và các trạm xăng. Cho nên Tú không hề biết cực khổ là gì. Nàng học rất giỏi và trở thành nha sĩ. Nàng đi xa nhà học, nên đã quen với Hoàng. Tình yêu rất thơ mộng. Nhưng đôi lúc nàng cảm thương cho Trinh. Trinh vốn cực khổ, niềm ao ước nhỏ nhoi của Trinh là có một mái ấm gia đình. Và như Trinh tâm sự, thì Hoàng thật sự đã đem đến hạnh phúc cho Trinh. Ít nhất bây giờ Trinh thấy vui và yêu đời. Nàng không còn vẻ mặt u sầu thảm thiết nữa. Bất chấp Hoàng yêu Trinh hay không, Tú mặc kệ. Đời nàng đã hạnh phúc. Nàng may mắn hơn Trinh gấp trăm lần. Với điều kiện hiện tại, sắc đẹp, tính nết và tài trí, Tú tin nàng cũng sẽ hạnh phúc hơn Trinh nếu như nàng chia tay với Hoàng.

Thế là Tú lặng lẽ ra đi. Bỏ mặc cho cảm giác của Hoàng. Lại vào lúc cha chàng lâm cơn bịnh nặng. Chàng chới với. Bác sĩ nói cha sẽ không còn sống được bao lâu. Chàng hoảng hồn, đêm nào cũng thức trắng với cha. Chàng ốm đi thật nhiều. Trong thời gian đó thì Trinh luôn túc trực bên chàng mà lo cái ăn cái mặc. Nàng dường như cũng ốm đi theo cái lo của Hoàng. Nhìn vẻ mặt tiều tụy của Trinh, Hoàng thấy xót xa làm sao. Nhưng trên vành môi của Trinh, lúc nào Hoàng cũng thấy nàng tươi cười dù đôi mắt đã quần thâm qua những đêm không ngủ. Thế rồi, cha cũng ra đi. Chàng bơ vơ quá. Tình yêu tự dưng bay mất không lý do. Trong thời gian khủng hoảng đó thì Trinh lúc nào cũng tỏ ra là một điểm tựa cho chàng. Nàng dịu dàng, nàng khéo léo đến vô cùng.

Khi Hoàng phát thiệp cưới cho bạn bè thì thằng Linh mới bĩu môi nói:

- Mày có điên không Hoàng ? Con Trinh như vậy mà mày cưới được sao ?

- Trinh dịu dàng, lại tỉ mỉ. Tao nghĩ không thành vấn đề.

- Cậu công tử nhà tui ơi. Cậu làm ơn tỉnh mộng. Một người vợ dịu dàng, tỉ mỉ rồi sao ? Mày mà không có tình yêu, thì đừng hòng có hạnh phúc.

Nghe thằng Linh nói. Hoàng như hụt hẫng. Phải, không có tình yêu làm sao có hạnh phúc. Nhưng liệu trái tim chàng còn có tình yêu nữa để cho ai sao ? Tú đã ra đi. Nàng ác quá. Ra đi mang luôn cả trái tim chàng. Thi sĩ nào đó bảo "yêu là chết trong lòng một nửa ". Câu nói ấy với chàng sai hoàn toàn. Hoàn cảnh của chàng thì quả thật chết nguyên một cả hồn, cả xác luôn chứ đâu phải một nửa ít ỏi thế kia. Cả lý trí cũng quay cuồng luôn. Chàng còn có thể nhận ra được gì nữa đây. Nhưng cái tình của Trinh, chàng cũng không biết làm sao mà khước. Thôi thì, xuôi theo số phận vậy.

Để rồi một đám cưới tưng bừng diễn ra. Trinh như đóa hoa rực rỡ. Nàng kiêu hãnh tuyên bố ngày cưới là ngày vui lớn nhất trong cuộc đời nàng. Nhưng riêng Hoàng thì khác hẳn. Có lẽ chàng đang trốn tránh sự thật. Chàng đang dùng một lễ cưới để che giấu nỗi sầu của mình. Như một bản tình ca nào đó, cô gái đã bùi ngùi nói với ngươì yêu: "màu trắng xe hoa là màu tang cho cuộc tình của nàng". Nhưng Hoàng là đàn ông 100% mà, chắc không tới nỗi nào chứ!

Để rồi sau ngày cưới, chàng mới phát hiện cái dịu dàng và tỉ mỉ của Trinh không còn. Nàng ích kỷ đến lạ lùng. Cả em gái của chàng cũng không tài nào sống nổi với Trinh. Chàng đã nhiều lần phiền muộn. Nhiều lần đứng giữa tình anh em và vợ chồng. Cuối cùng, em gái của Hoàng đã dọn ra riêng. Trước khi đi nó còn bảo:

- Anh yêu vợ quá thì để em đi. Em thật không ngờ, cha chết còn chưa ấm mồ ấm mã, mà anh đã đối xử vậy với em. Từ nay cuộc đời em ra sao thì ra. Anh hãy mặc kệ!

Lúc đó em gái của Hoàng mới học lớp 12 thôi. Tính tình nó cũng khá ngang ngược hay có lẽ vì Hoàng yêu thương nó quá, cưng chiều nó quá chăng ? Còn việc yêu vợ nhiều hay ít thì anh không biết. Đôi lúc anh muốn có một đứa con để cho vui thì Trinh lại nũng nịu bảo:

- Em không muốn có con bây giờ đâu anh ạ ! Ai biết được, khi sinh con ra rồi anh lại thương con hơn thương em.

Trời, Hoàng bật ngửa khi nghe Trinh nói thế. Có người mẹ nào lại ganh tỵ tình yêu của chồng với con mình chứ ! Ngay phút đó, Hoàng mới nhận thấy Trinh vô cùng ích kỷ. Có một lần, giữa đám bạn đang chơi đùa vui vẻ. Không biết Trinh đã nói gì mà Hoàng bẹo vào má của Trinh. Thế thôi, mà Trinh òa khóc, bảo là sao Hoàng nặng tay quá. Rồi Trinh chạy ra khỏi đám bạn bè về nhà khóc rấm rức. Đã vậy thôi, nàng còn giận Hoàng cả một tuần lễ dài đăng đẵng nữa chứ. Đi đâu, Trinh cũng muốn đi chung với Hoàng. Một hôm ghé thăm thằng Linh, nói chuyện hồi nó bực quá nên nói:

- Vậy bây giờ mày có còn chơi banh với tụi tao không ?

- Ừ để tao gọi Trinh cái đã.

- Gọi cái quái gì ! Hỏng lẽ mày đi chơi cũng phải xin phép nó. Nó không cho thì mày không đi sao ?

- Thì dù sao cũng nói với Trinh một tiếng chứ ? Mày sao đâu hà ? Bộ vậy mày cũng ghen với vợ tao sao ?

- Ghen cái móc xì, tao chỉ thấy mày có vợ rồi bỏ bê bạn bè thôi.

Hoàng gọi Trinh, nàng một hai bảo chàng phải về gấp. Hoàng nể mặt bạn nên không về mà còn đi chơi banh với đám bạn. Thế mà Trinh lại ùa vào sân banh khóc lóc ỷ ôi. Y hệt như Hoàng bạc đãi nàng không bằng. Ê mặt với đám bạn quá. Hoàng đành lủi thủi đi về. Trong lòng vô cùng ấm ức mà chẳng biết nói sao. Từ đó, đám bạn lánh xa chàng, có lẽ vì họ ngại Hoàng mất mặt chăng ? Riêng chàng cũng chẳng gọi đám bạn làm gì. Lại mắc công khiến cho Trinh giận.

Thời gian thấm thoát trôi qua. Trinh rốt cuộc cũng sanh cho chàng một đứa con. Hoàng mừng vui khôn xiết. Mẹ chàng bên Việt Nam muốn qua thăm con, thăm cháu. Sẵn các chị em của chàng cũng muốn qua Mỹ ở, nên chàng đem mẹ qua, để sau này Mẹ có thể bảo lãnh các chị dễ dàng.


Chàng những tưởng Trinh từ nhỏ không mẹ, chắc gặp mẹ chồng nàng sẽ vui lắm. Ai ngờ, nàng thật quá đáng. Nàng bảo:

- Em từ nhỏ không có mẹ, nên không quen với việc vâng dạ, dạ vâng.

Mỗi khi nàng làm mẹ chàng phật lòng. Mẹ chàng nói lại với chàng. Chàng trách thì nàng lại nói:

- Bà ấy không là mẹ của em. Không có lý do gì khiến em phải nghe lời hay kính nể.

Hoàng cảm nhận nàng ngang bướng và vô học thức quá. Chàng đâu bắt nàng phải làm dâu cực khổ. Chàng chỉ mong nàng nên để người mẹ mà chàng thương yêu trong lòng một chút thôi. Chẳng hạn ăn thì mời, có đi đâu thì nói một tiếng. Từ đó, chàng cảm thấy cái không khí nặng nề trong gia đình lan tỏa dần ra. Mẹ chàng lúc đầu còn có vẻ trách cứ. Nhưng sau đó bà im bặt. Chỉ thỉnh thoảng Hoàng thấy đôi mắt mẹ sưng lên. Có lẽ đêm qua mẹ khóc. Chàng đau lòng biết mấy nhưng chẳng biết làm sao để an ủi mẹ. Trinh thì cứ nằng nặc đòi đi làm, nàng bảo:

- Ở trong một nhà, không thể có hai người đàn bà. Em hy vọng anh hiểu cho em.

Trời ơi, hai người đàn bà, Hoàng cứ tưởng chính chàng đang có vợ nhỏ vậy. Đằng này người đàn bà đó là mẹ chàng đấy mà. Chàng cố giải thích cho vợ nghe. Nhưng nàng không chịu. Và nhất quyết đi làm. Mà như vậy cũng tốt, nàng đi làm rồi mẹ chàng có thể rảnh rang không nhọc trí hơn cũng hong chừng. Ai ngờ đâu khi Trinh bắt đầu đi làm thì mọi việc lặt vặt trong nhà mẹ chàng đều phải làm tất cả. Từ cái chén, cái xoong, và cái ăn, cái uống của đứa con. Trinh càng ngày càng trở nên quá đáng hơn, nàng vãi bừa tất cả. Nàng bỏ mặc cho mẹ chàng thu gọn những thứ đó. Nhiều lúc nàng bỏ tôm bỏ thịt từ trong tủ đá ra ngoài. Mẹ chàng ở nhà thấy con cái đi làm cực khổ nên nấu đồ ăn. Ai ngờ Trinh không cám ơn mà còn la lớn bảo:

- Trời ơi, tôm hồi sáng để ra cả đống bây giờ còn mấy con hà !

Mẹ chàng rướm nước mắt. Bà muốn khóc khi kể lại cho người bạn gần bên nghe:

- Nó làm như tui ở nhà ăn hết hay sao đó. Thiệt khổ quá thím ơi !

Khổ thật, vì mẹ chàng bên Việt Nam cũng có một cơ sở đồ sộ. Gia đình làm ăn lớn. Bà chỉ việc chỉ tay năm ngón thôi. Thế mà bây giờ phải nhọc xác, nhọc tâm. Nhiều lúc muốn về Việt Nam cho rồi, nhưng chị Hiếu của chàng thì muốn qua Mỹ, bà thương con, nên cố nán nán ở lại. Hy vọng thời gian sẽ làm Trinh thay đổi.

Hơn một năm nay, kinh tế Mỹ gặp khủng hoảng. Ngành điện tử xuống dốc đến kinh hồn. Hãng của Hoàng bị suy sụp và cuối cùng phải giải tán. Hoàng đang lái xe đi vòng vòng khắp thành phố, khắp nẻo đường để tìm việc làm. Hay nói đúng hơn, chàng muốn đi thật xa cái nhà của mình. Chàng muốn hưởng một không khí trong lành, thoải mái, chứ không nặng nề và khó thở như bây giờ.

diên vỹ

Hết





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

2024.04.06 @ 7:55 PM

Bây giờ mình mới thấm thía một câu " làm con bất hiếu nhất là không có đủ tiền để lo cho cha mẹ khi về già .." haizzz ...nếu biết ...