Thứ Ba, 15 tháng 6, 2021

nuôi con kiểu 'người làm vườn' hay 'thợ mộc'

 Nhiều người tin con đường duy nhất dẫn đến thành công của con cái phải được cha mẹ "lập trình sẵn". Nhưng các nhà nghiên cứu chứng minh quan niệm đó là không đúng.

"Gà mái mẹ" - khái niệm chỉ những cha mẹ người Trung Quốc cùng con chạy đua học hành, thi cử từ khi trẻ còn trong trường mẫu giáo, cho đến khi trưởng thành. Thuật ngữ nuôi con kiểu "gà mái mẹ" xuất hiện chủ yếu ở các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến... từ cuối thế kỷ 20. Các gia đình trung lưu thành thị thường đặt ra mục tiêu cụ thể với niềm tin rằng khi được giáo dục và rèn luyện tốt, trẻ sẽ trở thành những người giỏi giang.

Một cảnh trong chương trình truyền hình "A Little Reunion" ở Trung Quốc trong đó bà mẹ có những tính cách của một "gà mái mẹ" điển hình.

Zhang Jieru, là một "gà mái mẹ" điển hình. Cô đưa đón con tham gia kỳ tuyển sinh của các trường danh tiếng, tham gia các lớp đào tạo, lớp học ngoại khóa bởi không muốn con bỏ lỡ những cơ hội quan trọng. Không chỉ thúc giục con vào guồng quay học hành, bản thân Zhang Jieru cũng tham gia các lớp nuôi dạy trẻ để đồng hành cùng con. "Không có chuyện con cái không thể thành nhân tài, chỉ có cha mẹ không nỗ lực", Zhang tin vào câu nói đó. Vài năm trước, cô đã bán căn hộ của mình và mua một căn nhỏ hơn ở khu trường học tại Quảng Châu.

Bất chấp số lượng "gà mái mẹ" ngày một tăng trong xã hội Trung Quốc, nhiều ý kiến cho rằng kiểu nuôi dạy này biến trẻ thành những "gà nòi", những đứa trẻ chịu quá nhiều áp lực học hành, thi cử, từ đó đánh mất tuổi thơ.



Giáo sư tâm lý học Alison Gopnik của Đại học California đã viết trong cuốn Người làm vườn và thợ mộc, chỉ ra sai lầm của cha mẹ trong việc ép con trở thành một hình mẫu lý tưởng, thay vì để trẻ tự do phát triển. Bà cho rằng, trong nuôi dạy con, cha mẹ nên đóng vai trò của "người làm vườn" chứ không nên là "thợ mộc".

Người thợ mộc làm việc theo quy trình đục đẽo, cắt gọt nguyên liệu để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Trong khi đó, người làm vườn tạo ra một không gian lý tưởng, ra sức vun trồng, chăm sóc cây, tuy nhiên không biết trước sản phẩm của mình sẽ thế nào. Quá trình vun xới này, người làm vườn hiểu rõ ưu, nhược điểm giống cây trồng mình trồng, biết rõ khả năng thích nghi của giống cây.

Theo tác giả Alison Gopnik, cha mẹ không nhất thiết phải uốn con cái thành một khuôn mẫu nhất định như giỏi giang, thành đạt, mà thay vào đó, có thể tạo ra một thế hệ mới gồm những người mạnh mẽ, có khả năng thích nghi cao và có khả năng đối phó tốt với những thách thức trong tương lai. Trong trường hợp cha mẹ là "người làm vườn", vai trò của họ là chấp nhận, tôn trọng và đánh giá đúng năng lực của đứa trẻ đó, đồng thời cung cấp một không gian đầy đủ tình yêu, sự an toàn, để mọi đứa trẻ có thể phát triển.

Dựa trên các nghiên cứu của mình, Alison Gopnik chỉ ra rằng: Một đứa trẻ hay ăn vặt với trẻ chỉ ăn uống lành mạnh, trẻ nên được vui chơi hay phải làm bài tập về nhà ngay khi đi học về... đều là những chi tiết không thể quyết định được tương lai đứa trẻ.

Chịu tác động của chọn lọc tự nhiên, các cha mẹ sẽ sinh ra những đứa trẻ với những đặc điểm khác nhau, tính cách, năng lực, điểm mạnh, điểm yếu, trí thông minh... của chúng khác nhau và không thể đoán trước được.

Đối với trẻ em, nếu thời thơ ấu có được một môi trường an toàn và được bảo vệ, đồng thời tạo cơ hội cho trẻ khám phá một cách chủ động và tự do, trẻ có thể phát triển khả năng thích ứng với môi trường và giải quyết các tình huống khó khăn. Khi trưởng thành, trẻ tự tin và mạnh dạn đương đầu với mọi thử thách trong cuộc sống.

Nghiên cứu mới nhất về nhân chủng học tin rằng, sự thay đổi quan trọng nhất trong quá trình tiến hóa của loài người không phải là học cách săn bắn, hái lượm, mà là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, tức là kỹ năng nuôi dạy con cái. Theo phân tích của Alison Gopnik, trẻ nên học hỏi kỹ năng của thế hệ trước, tuy nhiên không nên sao chép, nếu không loài người sẽ không bao giờ tiến bộ. Với vai trò cha mẹ, người lớn nên cho phép những khác biệt này tồn tại và phát triển, thay vì cố tình "đúc" trẻ theo một khuôn mẫu.

Thùy Linh (Theo Sina)
(lượm từ vnexpress )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

2024.04.06 @ 7:55 PM

Bây giờ mình mới thấm thía một câu " làm con bất hiếu nhất là không có đủ tiền để lo cho cha mẹ khi về già .." haizzz ...nếu biết ...